Không duyên dáng như những bãi biển vùng duyên hải ở Nam Trung bộ, Cửa Lò – nơi dòng sông Lam êm đềm hoà vào biển – mang một dấu ấn riêng khiến người ta nghĩ: đến đây chỉ để ngắm nhìn thôi thì chán lắm, mà phải vọc biển, chạm vào biển và… ăn hải sản.
Hệ thống khách sạn nhà nghỉ vài năm gần đây ở hai bên đường dẫn ra biển Cửa Lò mọc lên san sát. Cửa Lò nằm biệt lập với Vinh bởi những cánh đồng vắng lặng hai bên đoạn đường dài 18 km từ thành phố ra biển.
Trong cái oi bức cuối ngày, được xắn quần đi dọc những bờ sóng rì rào mát lạnh, quả thật không gì dễ chịu bằng. Sóng không đủ lớn để… tốc quần, cũng không qúa nhỏ để dịch ra xa hơn. Bãi cát dài hơn 10 cây số bắt đầu hừng lên màu của hoàng hôn. Cái màu đỏ thẫm của nắng treo trên đầu những ngọn sóng rồi theo từng đợt gió hắt lên một bãi ghềnh đá vào cuối bãi. Trong ánh hoàng hôn, có thể thấy nhiều thuyền thúng, thuyền chài chuẩn bị ra khơi. Những ngư dân chất phác “ăn sóng, nói gió” và những câu chuyện phiếm xứ Nghệ sẽ không phụ lòng khách phương xa biết đến làm quen, bắt chuyện.
Trên ghềnh đá, còn có một quán cà phê nhỏ. Đây cũng là nơi có thể vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa phóng tầm mắt ngắm hoàng hôn lộng gió. Ghềnh đá này đang được nhiều doanh nghiệp du lịch chọn làm địa điểm xây dựng khu nhà hàng.
Mặt trời đỏ như quả cầu lửa lăn qua những ghềnh đá nhọn rồi dừng lại ở dãy núi tím mờ xa. Biển vẫn xôn xao bởi tiếng bọn trẻ chơi đá bóng trên bãi cát rộng, bởi tiếng cười giòn tan của những cô gái giỡn sóng và bởi ngoài khơi bắt đầu tiếng “hò hê” của những đoàn ghe thuyền ra khơi.
Cửa Lò về đêm mang hình ảnh một thành phố nhấp nhô trên mặt biển. Cảnh tượng ấy chỉ có thể có được khi những ghe thuyền đã đồng loạt ra khơi. Du khách có thể bắt một chiếc thuyền và cùng ra khơi với ngư dân, tròng trành trên biển đêm để chong đèn vớt những đám mực sim bị ánh sáng thôi miên. Mùa hè, biển sóng nhẹ, lũ mực chỉ thấy sáng là kéo nhau đến vây quanh, có khi chỉ dùng vợt là có thể vớt được khá nhiều. Tuy nhiên, với ngư dân, lưới bủa chuyên nghiệp vẫn hơn. Mỗi giã lưới có khi “gom” được đến chục ký cá, tôm và đặc biệt là mực. Nếu bạn là người yếu bóng vía, không ra khơi được với ngư dân thì chỉ việc ngồi trên bãi biển, đợi thi thoảng có một chiếc thúng vào là có thể đến xem những giã tôm cá còn tươi rói, nhảy búng lách tách.
Nhiều người thích thú khi được tận tay chọn lựa món mực nháy (tức loại mực ống, nhỏ như ngón tay, khi vớt lên bờ vì còn tươi nên trên lưng có những đốm nháy sáng màu tím) hay tôm càng, cá mú còn sống và mới hình dung ra một đĩa hấp thơm ngon thôi, đã thèm đến sốt cổ họng. Không lo, giá mực và cá tươi ở đây rẻ đến bất ngờ. Với những người đã quen với Cửa Lò thì hãy cứ ngồi ngả lưng trên ghế bố, thể nào cũng có những o, những ả nách rổ cá mực hay tôm tươi đến mời mọc. Có thể mua rồi vào những hàng quán hiếu khách và hấp lên là đã có thể đánh chén một bữa hải sản đáng nhớ.
Cửa Lò càng về đêm càng sống động với một thế giới vừa mang đủ diện mạo làng chài, vừa là một khu du lịch mới, có thể ăn uống và có nhiều thú vui ấn tượng. Chẳng lạ gì khi đêm về, khuya khoắt rồi, những ánh đèn soi cá vẫn sổ dài, long lanh mặt biển. Và trên bờ, những đoàn khách phương xa vẫn xắn quần lội nước, chờ những chiếc thuyền đổ bến để có những món hải sản tươi ngon. Và khi đã ngâm ngấm men rượu, bạn có thể ra bãi biển nằm dài và thể nào cũng có vài chú bé vác chiếu đến mời tẩm quất. Nếu bạn “ôkê” thì có thể nằm ngay lên chiếu và nghe trên lưng mình những tiếng roàm roạp điệu nghệ của mấy cu cậu tẩm quất bình dân ở Cửa Lò. “Đội quân” này hiện có khoảng vài ba chục em. Là con cái của ngư dân, các em phần lớn phải làm thêm nghề này để có thu nhập. Giá cho một đợt tẩm quất chỉ khoảng: 5.000 đồng.